image description

Ẩm thực Nghĩa Lộ.

  • 24/07/2019

Mảnh đất Nghĩa Lộ không chỉ sở hữu thiên nhiên tươi đẹp, nên thơ mà còn có nét văn hóa ẩm thực rất đặc sắc, thú vị. Sau đây mình sẽ giới thiệu đến các bạn một vài món ăn tại Nghĩa Lộ:

1. Xôi ngũ sắc.

Xôi ngũ sắc hội tụ được những giá trị truyền thống và hiện đại, mang ý nghĩa về quan niệm vũ trụ, triết lý âm dương và ý nghĩa nhân sinh cao đẹp. Khẩu cắm lanh là cơm xôi màu đỏ tượng trưng cho khát vọng. Khẩu cắm lăm là cơm xôi màu tím tượng trưng cho trái đất trù phú. Khẩu cắm hương là cơm xôi màu vàng tượng cho sự no ấm đầy đủ. Khẩu khiêu là cơm xôi màu xanh tượng trưng cho màu xanh của núi rừng Tây Bắc. Khẩu nón là cơm xôi màu trắng tượng trưng cho tình yêu trong trắng thuỷ chung.

Để có xôi ngon, thơm dẻo người làm nghề phải tuân thủ nghiêm ngặt theo các quy trình từ khâu chọn lá nhuộm màu đến việc đồ xôi. Nguyên liệu để nấu xôi phải là gạo nếp Tú Lệ hạt to, trong, một loại nếp thơm ngon và nổi tiếng nhất vùng. Bốn loại lá rừng dùng để nhuộm các màu xanh – đỏ – tím – vàng được người dân lựa chọn kỹ lưỡng, lá không được quá non hay quá già. Sau đó rửa sạch nấu với nước lấy từ suối nguồn ở xã Tú Lệ. Khi đã có nước màu, gạo nếp được cho vào ngâm khoảng 10 tiếng rồi vớt để ráo nước. Gạo ráo nước sẽ được đồ trong chõ xôi truyền thống của đồng bào gọi là Mỏ Lửng – Tay Lung. Chõ xôi hình bầu dục bằng thân cây cọ hoặc gỗ thơm được gọt đẽo để thủng hai đầu, đầu trên có nắp đậy, đầu dưới lót bằng phên nứa, mỗi chõ xôi được hơn 1kg gạo. Quá trình đồ xôi lửa phải đều, đượm than. Xôi chín dẻo, thơm đậm, dù nóng hay nguội nắm chặt tay cũng không dính.

Xôi chín được đơm vào đĩa hoặc trình bày theo từng ý tưởng khác nhau với 5 màu. Năm màu được ghép trên một mâm xôi hình cánh hoa ban thì tượng trưng cho thuyết âm dương Ngũ hành, đồng thời thể hiện khát vọng yêu thương, tình yêu son sắt thuỷ chung, lòng yêu mẹ kính cha của đồng bào dân tộc Thái nơi đây.

2. Muồm muỗm rang Mường Lò.

Có rất nhiều cách để chế biến món ăn ngon từ muồm muỗm. Song muồm muỗm rang giòn vẫn là đặc sản được người dân nơi đây ưa chuộng nhất. Để có món đặc sản muồm muỗm rang giòn thơm ngon, trước tiên phải sơ chế muồm muỗm. “Vặt cánh, bẻ chân, ngắt đầu, rút ruột” là 4 khâu cơ bản để tạo nên hình hài một chú muồm muỗm trên bàn nhậu. Phần còn lại của muồm muỗm sau khi được làm sạch trông cứ kỳ kỳ, nần nẫn chẳng khác gì cái kén của tằm dâu. Xong khâu “làm lông”, muồm muỗm được rửa sạch, để ráo nước rồi cho vào chảo.

Đầu tiên, muồm muỗm được om với nước măng chua (hoặc giấm gạo) trên bếp lửa liu riu. Cạn nước, cho ngay mỡ (hoặc dầu ăn) vào, đảo đều tay trên bếp to lửa; khi nào nghe tiếng nổ lách tách tức là muồm muỗm đã chín giòn, cho bột canh (hoặc nước mắm, hạt nêm…) vừa đủ cùng với mì chính, một chút ớt tươi và đảo nhanh tay; cuối cùng, cho lá chanh thái chỉ nhỏ vào, đảo đều chín tới lá chanh là bắc chảo ra được. Muồm muỗm rang chín có màu vàng sậm, rất thơm..

3. Bánh chưng đen Mường Lò.

Bánh được đồng bào dân tộc Thái nơi đây làm ra với ý nghĩa thể hiện lòng biết ơn của con cháu đối với cha ông và đất trời. Món bánh đặc sản này không thể thiếu trên mâm cỗ cúng tổ tiên, trời đất mỗi khi xuân về.

Nguyên liệu làm bánh của đồng bào được chọn lựa kỹ càng: lá dong bánh tẻ, khổ vừa phải, rửa sạch, lau khô. Gạo nếp được chọn phải là nếp Tú Lệ thơm ngon, nhân đỗ xanh hoặc đỗ nho nhe đãi sạch vỏ, không lẫn sạn. Thịt lợn ngon nhất là thịt ba chỉ, nhiều mỡ một chút, thái mỏng, ướp với gia vị, hạt tiêu, hành củ. Để tạo màu đen cho chiếc bánh, đồng bào lấy thân cây núc nác tước vỏ, hoặc hoa cây vừng đen đốt thành than, giã mịn như bột, trộn lẫn với gạo nếp, đảo đều cho đến khi gạo quyện với bột than thành màu đen.

Bánh chưng đen phải được gói thủ công. Củi để luộc bánh phải là củi gỗ to, giữ than tốt, khi luộc xếp bánh vào nồi, đậy kín vung. Lúc nồi bánh chưa sôi thì đun to lửa,  khi nồi bánh đã sôi giữ lửa đều, đủ nhiệt để bánh chín nhuyễn, chín đều, đun từ 6-7 tiếng. Khi chín vớt ra cho vào chậu nước rửa qua và treo bánh thành từng cặp để cho bánh không bị mốc. Thưởng thức một miếng bánh, cảm nhận được hương vị thật đặc biệt, vị thơm của nếp, vị ngọt, béo của thịt lợn vùng cao, vị ngậy bùi của nhân đỗ xanh, vị là lạ của cây rừng.

Bánh chưng đen của người Thái được cha truyền, con nối qua nhiều thế hệ. Tết đến, ăn miếng bánh chưng đen, mùi gạo quyện với than núc nác, hoa cây vừng đen, vị ngọt làm người ăn như thưởng thức được cả mùi cỏ cây, ruộng đồng, đất trời và thiên nhiên nơi miền Tây Yên Bái.

4. Thịt trâu gác bếp.

 

Thịt trâu được tẩm ướp các loại gia vị (không thể thiếu mắc khén nhé) theo công thức riêng tùy tay người làm rồi sấy khô. Nếu được sấy bằng khói trên bếp củi thì thịt trâu khi ăn sẽ có mùi hơi khét khét của khói, nhưng mà ngon lắm. Món này muốn mua nhiều khi cũng không có sẵn mà phải đặt trước.

5. Ruốc tôm Mường Lò.

 

Từ nguyên liệu tôm nõm, thịt lợn thăn, dầu thực vật và các loại gia vị của vùng Mường Lò cùng với kinh nghiệm truyền thống của đồng bào Tây bắc đã tạo nên hương vị đặc trưng của sản phẩm ruốc Tôm.

Món này khi ăn kèm với sôi ngũ sắc, cơm lam bạn sẽ thật ấn tượng bởi sự đậm đà của ruốc tôm hoà quyện với hương vị dẻo thơm của nếp Tú Lệ.  Ruốc tôm là một món ăn tưởng chừng như rất đơn giản và dễ làm nhưng không phải ai làm theo công thức đó cũng ngon. Mỗi người, mỗi vùng miền đều có những bí quyết riêng tạo nên sự khác biệt trong hương vị của từng món ăn. Ghé thăm miền Tây Yên Bái, nơi có những bàn tay khéo léo đã chế biến món ăn này từ những nguyên liệu hết sức gần gũi để mang lại đầy đủ vị ngon đến với người thưởng thức.

Nguyên liệu để làm món ruốc tôm gồm: Tôm nõn (tôm suối) bóc vỏ, thịt lợn (nạc vai), dầu thực vật, gia vị. Tôm chọn con mình mẩy, to đều, rửa sạch bóc vỏ, bỏ chỉ đen trên lưng và phần đầu tôm. Cho tôm vào cối giã nhỏ. Thịt lợn băm nhỏ. Sau đó cho dầu vào chảo rang thịt chín kỹ rồi cho tôm giã nhỏ vào đảo đều, cho gia vị thêm vài giọt nước mắm cho ruốc tôm thêm đậm đà. Khi rang để lửa thật nhỏ, liu riu để tôm và thịt chín đều đến khi vừa khô là được.  Sau khi sao khô để nguội là có thể ăn được.

Kết: Sau khi xem xong bài viết các độc giả đã muốn đến Nghĩa Lộ chưa ạ? Vậy thì còn chần chừ gì nữa? Khi đến Nghĩa Lộ thì các bạn đừng quên ghé qua Dragonfly Nghĩa Lộ để có những trải nghiệm tốt nhất.

Bình Luận